Ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp - trao đổi về những nội dung được đánh giá là cương quyết tại Chỉ thị này:
Ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp |
Siết lại kỷ luật, kỷ cương
- Thưa ông, vì sao Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị về việc cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc?
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đó có nội dung “CBCCVC không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực”, thời gian qua, Ngành Tư pháp đã tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ CBCCVC, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc trong toàn Ngành và ở từng cơ quan, đơn vị.
Kết quả là kỷ luật, kỷ cương công vụ của Bộ, của Ngành đã có nhiều chuyển biến, trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, của Ngành. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả công tác của Bộ, của Ngành những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012 khi Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 được tổ chức.
Tuy vậy, vẫn còn có một bộ phận cán bộ, công chức trong Ngành chưa nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ, có trường hợp uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác, tác phong, uy tín và hình ảnh của người cán bộ Ngành Tư pháp.
Chỉ thị 02 được ban hành là để tăng cường việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong công tác theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013.
- Cấm cán bộ, công chức, viên chức rượu, bia trong giờ làm việc, theo ông, sẽ được lợi gì?
- Rượu, bia ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc. Một CBCCVC uống rượu, bia trong giờ làm việc hay trong giờ nghỉ trưa thì chắc chắn buổi chiều sẽ không thể minh mẫn và hiệu quả công việc sẽ sụt giảm.
Đấy là chưa kể sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... và cả những hệ luỵ phát sinh từ việc không kiểm soát được hành vi do rượu bia quá đà. Như vậy, cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí.
Lấy việc thực hiện Chỉ thị 02 làm một trong các tiêu chí bình xét thi đua
- Để Chỉ thị 02 phát huy hiệu quả thực sự, các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Tư pháp, Cục THADS cần phải triển khai những công việc gì, thưa ông?
- Chỉ thị đã nêu rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tư pháp, Cục trưởng các Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự trong việc đề cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc, gương mẫu thực hiện quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc.
Lãnh đạo các đơn vị này có nhiệm vụ chỉ đạo các nhà ăn, căng-tin trực thuộc không phục vụ hoặc bán rượu, bia cho các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tiếp khách... có thành phần tham dự là cán bộ, công chức, viên chức vào buổi sáng, buổi trưa các ngày làm việc.
Đồng thời, bổ sung quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết thực hiện không uống rượu, bia trong ngày làm việc.
Chỉ thị cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tư pháp, Cục trưởng các Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự kịp thời xử lý, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm quy định không uống rượu bia theo Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình thực hiện Chỉ thị này qua Văn phòng Bộ.
- Cấm rượu, bia trong ngày làm việc là một chủ trương rất đáng hoan nghênh, nhưng để Chỉ thị có sức sống lâu bền, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi CBCCVC thì theo ông, ngành Tư pháp cần phải làm gì?
- Để Chỉ thị 02 phát huy hiệu quả thực sự thì bản thân từng CBCCVC phải tự nâng cao nhận thức và có sự theo dõi, kiểm tra lẫn nhau, kịp thời báo cáo những trường hợp vi phạm cho thủ trưởng đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngành Tư pháp cũng sẽ đưa việc thực hiện Chỉ thị 02 vào làm một trong các tiêu chí để đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, nếu có trường hợp tái phạm thì cũng phải xem xét nghiêm túc, áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác cán bộ.
Tôi cho rằng, để Chỉ thị đi vào cuộc sống và có sức sống lâu dài thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết là quyết tâm chính trị của toàn Ngành, ngoài việc nâng cao nhận thức nói trên; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể…thì công tác truyền thông cũng rất cần thiết; Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan báo chí của ngành Tư pháp cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này, nếu phát hiện vi phạm thì kịp thời phản ánh để xử lý.
- Ngay sau khi Chỉ thị 02 được ban hành, một số Cục THADS như Hà Tĩnh, Bình Định…đã tổ chức quán triệt và ký cam kết không uống rượu, bia trong ngày làm việc, Bộ có hướng dẫn thực hiện chung đối với các đơn vị trong Ngành không, thưa ông?
- Theo tinh thần Chỉ thị 02 thì trong trường hợp cần thiết, các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết thực hiện không uống rượu, bia trong ngày làm việc. Việc triển khai kịp thời của THADS các địa phương là rất đáng hoan nghênh.
Về phía Bộ Tư pháp thì Văn phòng Bộ là đơn vị được lãnh đạo Bộ giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, sắp tới Văn phòng Bộ Tư pháp sẽ cùng Tổng cục THADS, Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên ký bản ghi nhớ “Phát động CBCCVC ngành Tư pháp nói không với rượu, bia trong ngày làm việc”.
Tin rằng, CBCCVC ngành Tư pháp sẽ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Hồng Thúy (thực hiện)
Nguồn tin: phapluatvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn