Chính phủ vừa hoàn thiện báo cáo tóm tắt tổng hợp lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Theo đó, đã có khoảng hàng triệu ý kiến đóng góp đã được gửi đến các cơ quan chức năng. Tập trung vào các vấn đề chính như quyền của Nhà nước và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, tái định cư....
Đáng chú ý, về nội dung thu hồi đất, Chính phủ bổ sung vào dự thảo Luật quy định đối với các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch lớn về mức bồi thường, hỗ trợ giữa các địa phương, góp phần hạn chế khiếu nại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định khi Nhà nước thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền theo giá của loại đất bị thu hồi, không bồi thường theo giá đất của loại đất sau khi chuyển mục đích vì quy định này đã được áp dụng ổn định từ Luật đất đai năm 1993 đến nay; đồng thời, giá trị đất tăng thêm sau khi thu hồi đất là do Nhà nước quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng nên phần giá trị tăng thêm này phải thuộc về Nhà nước và do Nhà nước điều tiết.
Về vấn đề thuê đất, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định các đơn vị sự nghiệp phải chuyển sang áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm như dự thảo Luật cho phù hợp với chủ trương tiếp tục xóa bỏ bao cấp trong lĩnh vực đất đai và phù hợp với cơ chế tài chính áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp; tạo điều kiện để đất đai được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Mặt khác, việc áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sẽ hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đất dưới các hình thức chuyển nhượng, góp vốn liên doanh, liên kết, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đồng thời, đề xuất chưa chuyển sang áp dụng hình thức thuê đất đối với các cơ quan hành chính vì cơ quan hành chính Nhà nước là một trong những bộ phận quan trọng của bộ máy Nhà nước, cần phải đảm bảo quỹ nhà đất cho các cơ quan này hoạt động. Mặt khác, trong thực tế việc sử dụng đất của các cơ quan này đều thực hiện tốt theo quy định của pháp luật, ít có vi phạm và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Nếu chuyển các đơn vị này sang áp dụng hình thức thuê đất sẽ thêm thủ tục hành chính và sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì những đơn vị này đều do Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.
Theo Báo điện tử của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN