Tại Hà Nội, các đại biểu góp ý về một số vấn đề của Luật liên quan đến các vụ, việc, mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải; việc lựa chọn giữa hai phương án bầu, công nhận hòa giải viên hay lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên; thời gian thực hiện hòa giải…
Đối với nội dung lựa chọn, giới thiệu hòa giải viên, đa số ý kiến cho rằng nên chọn, giới thiệu hòa giải viên để bảo đảm tính chất hòa giải ở cơ sở, tránh hành chính hóa và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, nên bầu hòa giải viên nhưng cần đơn giản về quy trình, thủ tục bầu.
Đối với điều 23, “kết thúc hoạt động hòa giải khi các bên không đạt được thỏa thuận sau tối đa 3 lần hòa giải”, nhiều đại biểu cho rằng, điều này không đúng với thực tế vì bản chất của hòa giải là kiên trì, nếu quy định như vậy sẽ làm hạn chế và giảm hiệu quả hòa giải, vì vậy không nên đưa quy định này vào Luật.
Tại Hải Phòng, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung trong dự án Luật. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các đại biểu cho rằng nên tập trung quy định về nguyên tắc, chính sách hòa giải cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải, quy trình hòa giải ở cơ sở; không điều chỉnh các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân; không điều chỉnh các hoạt động hòa giải thuộc phạm vi thủ tục tố tụng hoặc theo quy định của các luật khác. Đối với nội dung bầu hay lựa chọn hòa giải viên, có ý kiến cho rằng nên bầu hòa giải viên, tuy nhiên cần đơn giản về quy trình, thủ tục bầu. Nhưng cũng có ý kiến nên chọn, giới thiệu hòa giải viên để bảo đảm tính chất hòa giải ở cơ sở, tránh hành chính hóa. Theo nhiều đại biểu, quy định về vai trò quản lý Nhà nước trong công tác hòa giải như hiện nay còn trùng lặp, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của từng cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Quy định tại các Điều 28, 29, 30 của dự án Luật vẫn nặng tính hành chính, Nhà nước còn can thiệp nhiều vào hoạt động hòa giải ở cơ sở, chưa thực sự phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức thành viên…
Tại Ninh Thuận, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa, tính cần thiết của Luật trong đời sống, góp phần nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân. Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến phạm vi hòa giải ở cơ sở, bổ sung đối tượng yếu thế trong hoạt động hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, mô hình tổ hòa giải ở cơ sở, trách nhiệm của các bên đối với kết quả hòa giải, kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải,…
Tại Nghệ An, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật hòa giải ở cơ sở, vì qua thực tế, công tác hòa giải cơ sở có vai trò xã hội to lớn góp phần củng cố trật tự xã hội rất tốt, tuy nhiên sau 13 năm thi hành, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hệ thống văn bản quy phạm, chưa thu hút, khuyến khích mọi người tham gia. Thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật là không điều chỉnh các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở và các hoạt động hòa giải thuộc phạm vi thủ tục tố tụng hoặc theo quy định của các luật khác. Bởi vì qua thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ được hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở như hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản… Vì vậy dự án Luật bổ sung điều 5 về chính sách của Nhà nước đó là khuyến khích việc hòa giải với các hình thức khác là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên cần bổ sung thêm quy định về tạo cơ chế để có sự phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức khác trên địa bàn dân cư. Về phạm vi hòa giải thống nhất như dự thảo là quy định theo phương pháp loại trừ đó là chỉ quy định những việc không được hòa giải ở cơ sở; phù hợp với trình độ của hòa giải viên. Các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý các vấn đề: các quy định của hòa giải viên; tiêu chuẩn về hòa giải viên, tổ hòa giải cần phải quy định rõ ràng hơn, mang tính quần chúng cao hơn. Trong Luật không nên quy định thời gian hòa giải, vì có nhiều vụ việc đơn giản thì hòa giải nhanh, trong khi lại có nhiều vụ phức tạp phải mất vài năm mới giải quyết xong; cần quy định phải có biên bản hòa giải; vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp; chính sách hòa giải ở cơ sở... Một số vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận đó là: các quy định của hòa giải viên; tiêu chuẩn về hòa giải viên, tổ hòa giải cần phải quy định rõ ràng hơn, mang tính quần chúng cao hơn. Trong luật cần quy định phải có biên bản hòa giải; không nên quy định thời gian hòa giải; các quy định trả thù lao cho hòa giải viên... Tại khoản 2, Điều 12 quy định số lượng tối thiểu của tổ hòa giải là 3 người mà không qua định số lượng tối đa. Qua thực tiễn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thấy rằng Luật nên quy định rõ luôn số lượng tối đa là 05 hay 07 người để việc áp dụng Luật được thống nhất. Việc quy định cứng trong tổ hòa giải phải có hòa giải viên là nữ hay phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số hơi cứng nhắc, chưa phù hợp lắm với quy định bầu hòa giải viên, vì vậy nên đổi cụm từ "phải có" thành cụm từ "khuyến khích". Điều 30 trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp về quản lý nhà nước nên đề cho UBND tỉnh quản lý, Mặt trận Tổ quốc chỉ giám sát và vận động đúng với chức năng; Khoản 3 Điều 2 chưa hợp lý; Khoản 2 Điều 1 cũng nên nghiên cứu cho hợp lý...Về các vấn đề khác, cơ bản các đại biểu nhất trí cao với dự thảo đưa ra. Kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Hà - phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự án Luật hòa giải ở cơ sở, đồng thời hứa sẽ tổng hợp các ý kiến và trình lên kỳ họp Quốc hội tới./.
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn