“Về mặt lý thuyết thì pháp luật có thể quy định về vấn đề an tử một cách rõ ràng. Nhưng về mặt thực tiễn thì việc quy định về vấn đề an tử cần phải xem xét nhiều vấn đề có liên quan đến sự sống và chết của con người, cho nên việc quy định về an tử lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như: tôn giáo, quan niệm về sự sống - chết của cá nhân, vấn đề tín ngưỡng; quan niệm về đạo đức, quan niệm về nhân – nghĩa, quan niệm về tâm linh, về vấn đề tâm lý, quan niệm về tính nhân đạo, quan niệm về thiện và ác... còn nhiều điểm chưa thật sự thống nhất trong xã hội, cho nên trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, pháp luật Việt Nam chưa thể quy định về vấn đề an tử”.
“Việc nên hay không nên có quy định về an tử, chỉ có thể xác định trong một xã hội mà ở đó những quan niệm về sự sống, chết, về đạo đức, về tín ngưỡng, về tôn giáo... được xác định dựa trên những luận thuyết khoa học được đông đảo cá nhân trong xã hội thừa nhận ở mức độ cao hơn hiện tại. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay nếu pháp luật quy định về an tử là chưa thật sự phù hợp”.
Trả lời về việc được lựa chọn cách chết có phải là quyền con người không, PGS. TS. Phùng Trung Tập cho rằng: “Câu hỏi được đặt ra bao trùm toàn bộ những quan niệm về sự sống và chết của cá nhân. Trước hết, nhân loại tồn tại có ý nghĩa là sự sống và mỗi người sinh ra đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc trong sự phát triển của xã hội. Pháp luật không nên quy định cho cá nhân một loại quyền được chết hay quyền được lựa chọn cách chết hay phương thức chết!”
“Theo tôi, mọi cái chết chứa đựng tính cưỡng bức hay có chủ tâm đều là những cái chết không bình thường và bất thường. Vì hệ quả của những cái chết như vậy thường kéo theo nhiều vấn đề mang tính không tích cực và còn ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác. Con người là thực thể của tự nhiên, cho nên sự sống và cái chết hãy để chúng diễn ra một cách tự nhiên (vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh luôn luôn được coi trọng)”.
“Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định và trong hoàn cảnh cụ thể, ngành y học có thể xác định một cá nhân đã chết não và có thể áp dụng các phương pháp kỹ thuật sinh học hay kỹ thuật y học để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người chết não để thực hiện phương pháp cấy ghép mô, bộ phận cơ thể nhằm mục đích chữa bệnh cho cá nhân khác theo những điều kiện luật định”.
“Việc cho phép cá nhân được quyền lựa chọn cách chết dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa, theo chúng tôi không nên quy định trong giai đoạn hiện nay, nhưng có thể bàn luận về mặt khoa học. Quy định về an tử chỉ có thể được đặt ra khi mọi quan niệm về sự sống, sự chết, quan niệm về đạo đức, quan niệm về nhân đạo, về thiện và ác được mọi người trong xã hội nhận thức ở mức thống nhất cao hơn hiện nay”, PGS.TS. Phùng Trung Tập nhấn mạnh.
Theo Báo Điện tử Kiến thức