Tôi rất nhớ phiên tòa hình sự ở một tỉnh miền núi. Khi Hội đồng xét xử đang “dàn hàng ngang” đợi LS thì sân tòa bất ngờ xuất hiện một cụ già lập cập bước xuống từ chiếc ô tô biển trắng. Có lẽ anh lái xe cũng đoán biết tình hình nên vội vàng vòng ra sau, đỡ cụ vào phòng xử án. Không hiểu có phải do tuổi cao, sức yếu, hay vì đường sá xa xôi, LS nọ chỉ tham gia rất ngắn gọn ở phiên tòa bằng cách... xin giảm nhẹ tội cho bị cáo vì có nhân thân tốt. Ngoài ra, LS cũng không tranh luận gì thêm (hay vì vụ án đã quá rõ ràng?) và luôn tỏ ra mệt mỏi vì phiên tòa kéo dài đến hơn 2 ngày.
Có lẽ trường hợp LS cao tuổi nói trên không phải là hy hữu. Chưa có thống kê chính xác trong giới LS có bao nhiêu người ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chắc chắn con số đó không dừng lại ở hàng chục. Có thể lý giải đơn giản vì không ít người trong số họ sau khi nghỉ hưu tại các cơ quan nhà nước mới chuyển qua làm LS (khi đó nam đã 60 tuổi, còn phụ nữ là 55). Cũng theo quy định của Luật LS hiện hành thì người được miễn đào tạo nghề LS bao gồm người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật... Như vậy, ngoại trừ những trường hợp “sang ngang” thì phần lớn những LS là người được miễn đào tạo khi đạt được những chức danh nêu trên thì cũng đều đã ở tuổi ngoại ngũ tuần.
LS cao tuổi có lợi thế là nhiều người có trình độ cao, nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và đây là thế mạnh của họ trong hành nghề. Tuy nhiên, sức khỏe cũng là một phần quan trọng khiến cho LS cao tuổi bị “mất điểm” khi tham gia tố tụng. Chỉ đơn cử như việc phải di chuyển một chặng đường dài đã khiến LS “mướt mồ hôi”, chưa kể đến việc nếu vụ án bị kéo dài, thời gian tranh tụng lâu, LS lớn tuổi cũng khó lòng theo kịp khi mà nhiều người “nói còn không ra hơi”. Nhiệt huyết của các LS cao tuổi vì lý do sức khỏe nhiều khi cũng giảm bớt phần nào...
Dù Luật LS quy định, trong hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, người yêu cầu phải có giấy chứng nhận sức khỏe, song trên thực tế để có được một giấy khám sức khỏe “đạt chuẩn” không hề khó khăn. Vì thế, có nhiều LS không đủ sức khỏe vẫn tham gia hành nghề.
Đặt ra vấn đề khống chế độ tuổi có lẽ là không nên bởi vì sức khỏe là phạm trù khó “cân đong đo đếm”, và cũng bởi pháp luật chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của LS khi tham gia tố tụng thì yếu tố tối thiểu là LS phải có sức khỏe, và điều này thì có lẽ chính các LS là người hiểu hơn ai hết để quyết định có nhận án hay không...
Tác giả bài viết: Đặng Quân
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn