Có ý kiến cho rằng muốn xử lý nghiêm người tham nhũng phạm tội thì phải sửa luật. Đây là yêu cầu cần thiết trong tình hình tham nhũng đang là vấn đề bức xúc, thách thức của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, trong khi Quốc hội chưa sửa đổi, bổ sung kịp luật thì việc xử lý tham nhũng cần quán triệt đầy đủ tinh thần quyết tâm chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã phát động thì cũng giảm thiểu đáng kể việc xử lý không nghiêm, việc áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hay cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
Chỉ quan tâm đến việc giảm nhẹ
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì có 12 hành vi tham nhũng nhưng Bộ luật Hình sự (BLHS) chỉ quy định bảy tội tham nhũng. Đó là các tội tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác.
Được biết từ trước đến nay lãnh đạo TAND Tối cao đều chỉ thị yêu cầu các tòa án địa phương cần quán triệt và xử lý nghiêm đối với người phạm tội tham nhũng. Tuy nhiên, một số tòa án địa phương, một mặt chưa quán triệt hướng dẫn của TAND Tối cao, một mặt còn máy móc áp dụng các quy định của BLHS đối với người phạm tội.
Theo quy định tại Điều 45 BLHS thì khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có vẻ hiện hầu hết các tòa án khi quyết định hình phạt chỉ quan tâm đến bị cáo phạm tội có bao nhiêu tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Điều 46, Điều 48 BLHS, từ đó có áp dụng Điều 47 BLHS để quyết định hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo hoặc có cho bị cáo hưởng án treo hay không mà thôi. Có rất ít bản án cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Phải nghiêm trị như án ma túy, giết người
Các quy định này cho phép áp dụng đối với tất cả người phạm tội không phân biệt loại tội phạm nào. Tuy nhiên, đối với từng loại tội và đối với từng chủ thể phạm tội, BLHS còn có những quy định riêng, trừng trị nghiêm khắc với ai và khoan hồng đối với ai.
Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ rất quan trọng khi quyết định phạt. Nếu coi tội phạm tham nhũng nguy hiểm như các tội ma túy, các tội giết người cướp của, các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì việc quyết định hình phạt đối với người phạm các tội này khó tránh khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật dù họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Cần xem lại số liệu về việc áp dụng hình phạt đối với tội phạm tham nhũng. Có tỉnh có đến 80% bị cáo nhận mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và hơn 50% bị cáo tham nhũng được cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Nếu đúng như vậy thì TAND Tối cao cần kiểm tra ngay xem ở đó xét xử án tham nhũng thế nào. |
Một vấn đề đặt ra là: Tại sao đối với các tội phạm về ma túy hầu hết tòa án không cho bị cáo hưởng án treo? Không phải vì đối với các tội phạm này có hướng dẫn của TAND Tối cao mà vì các tội phạm ma túy hầu hết là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, là loại tội phạm mà toàn xã hội lên án. Vì vậy, cho dù người phạm tội là người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân là người có công, là thương binh, được tặng nhiều huân huy chương hoặc gia đình có công với cách mạng, có bà mẹ Việt Nam anh hùng… thì tòa luôn phạt nặng các bị cáo phạm tội này.
Nếu tòa án nhận thức được rằng đối với tội phạm tham nhũng cũng nguy hiểm, cũng cần phải nghiêm trị như đối với tội phạm ma túy thì việc áp dụng Điều 47 (giảm nhẹ hình phạt) hay cho bị cáo được hưởng án treo sẽ rất hạn chế.
* * *
Vấn đề không phải do pháp luật mà do nhận thức của người cầm cân nảy mực trong việc áp dụng pháp luật. Vì vậy, tòa án cần phải thay đổi nhận thức, phải thấy rằng tính chất, mức độ của tội phạm tham nhũng là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nếu thẩm phán còn phải “thận trọng”, phải “xin ý kiến”, còn sợ ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm thẩm phán cho nhiệm kỳ sau… thì công cuộc phòng, chống tham nhũng e khó mang lại hiệu quả như Đảng và nhân dân mong muốn.
Người có hành vi tham nhũng phải xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minhvề trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. (Trích Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí”)
Nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế khả năng đối phó của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí khi bị thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan chức năng. Có quy định nhằm hạn chế tối đa việc cho bị can được tại ngoại trong quá trình điều tra hành vi tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với đối tượng phạm tội tham nhũng. Bên cạnh việc tích cực, chủ động phòng ngừa, trong thời gian trước mắt cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. …Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. (Trích Kết luận Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về |
ĐINH VĂN QUẾ - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo phapluattp.vn
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn