Sáng 26-10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) trước QH. Tại Nghị quyết số 24/2008, QH khóa XII đã giao Chính phủ thực hiện thí điểm chế định TPL từ 1-7-2009 đến 1-7-2012 và mô hình này đã được triển khai tại TP.HCM.
Tổng kết việc thí điểm, Chính phủ nhận xét mô hình TPL cần thiết cho xã hội và hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ. “Sự hiện diện của TPL cũng phá thế độc quyền, giúp người dân có thêm sự lựa chọn để thi hành án dân sự (THADS). Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan THADS, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong lĩnh vực THA” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ tư pháp trình bày dự thảo Nghị quyết tại Quốc hội (Ảnh TTXVN)
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận chưa dự liệu được vấn đề hiệu lực pháp lý của chế định TPL trong thời gian chuyển tiếp từ khi kết thúc thí điểm (1-7-2012) cho đến khi QH ban hành quy định mới. Điều này dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước, gây lo lắng, thiếu tin tưởng cho các TPL và người dân sử dụng dịch vụ TPL. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của QH cũng cho rằng việc tổng kết thí điểm TPL triển khai chậm đã làm phát sinh vướng mắc về tính pháp lý liên quan đến hoạt động của các văn phòng TPL từ 1-7-2012 đến nay...
Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, Chính phủ kiến nghị QH xem xét, thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL thêm ba năm (đến hết ngày 31-12-2015) và mở rộng việc thí điểm ở các địa phương trong cả nước để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về mô hình này. Tán thành với đề xuất này, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý nghị quyết của QH cần quy định cụ thể việc chuyển tiếp hoạt động của các văn phòng TPL và tính pháp lý của những công việc TPL đã làm sau thời điểm 1-7-2012. Đồng thời, rút kinh nghiệm thí điểm vừa qua, cũng cần quy định rõ nhiệm vụ của Chính phủ trong tổ chức thực hiện và tổng kết thí điểm TPL thời gian tới, báo cáo QH xem xét, quyết định vào kỳ họp cuối năm 2015.
Hiện Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 53 TPL. UBND TP.HCM đã cấp phép tám văn phòng TPL hoạt động với 33 TPL hành nghề. Thực tế, có năm văn phòng TPL bắt đầu hoạt động từ 21-5-2010, còn ba văn phòng TPL mới thành lập. Đến 30-6-2012, các văn phòng TPL đã tống đạt trên 100.000 văn bản, lập trên 5.000 vi bằng, xác minh điều kiện THA 147 vụ việc, trực tiếp thi hành xong 26 vụ việc.
Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh