Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhấn mạnh: “Luật LLTP là đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế”.
Sau khi Luật LLTP có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, với việc ban hành hàng loạt văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP được quan tâm triển khai trong phạm vi cả nước. Đến nay, Trung tâm LLTP quốc gia đã nhận được 110.658 thông tin, trong đó có 89.842 thông tin LLTP về án tích; thực hiện cập nhật 99.896 thông tin vào phần mềm tiếp nhận thông tin, làm thủ tục sao gửi cho các Sở Tư pháp 28.905 giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá. Các Sở tư pháp cũng nhận được hơn 180.000 thông tin LLTP, lập 118.023 bản LLTP và gửi các thông tin LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia theo quy định…
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan chia sẻ, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật LLTP còn chậm, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng Luật chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP vẫn khó khăn, lúng túng từ định hướng, quy mô, cấu trúc cơ sở dữ liệu cho tới việc tổ chức thực hiện, từ công nghệ, kỹ thuật cho tới quy trình, thủ tục và các tác nghiệp cụ thể.
Nguyên nhân được chỉ ra là, mặc dù Luật LLTP và Luật Thi hành án hình sự đã nêu rất rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP nhưng chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa được tiến hành theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn. Thậm chí ở nhiều địa phương, một số cơ quan Tòa án, cơ quan có liên quan còn chưa gửi thông tin LLTP cho Sở Tư pháp.
Chưa bảo đảm được thời hạn cấp Phiếu
Luật LLTP quy định, thời hạn cấp phiếu LLTP không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 20 ngày. Song theo phản ánh của nhiều Sở Tư pháp, thời hạn này chưa được bảo đảm.
Chẳng hạn, tại An Giang trong 2 năm qua, Sở Tư pháp đã cấp phiếu LLTP cho 6.060 trường hợp, nếu thời gian cư trú trong tỉnh được thực hiện đúng là 10 ngày, còn ngoài tỉnh là 30 ngày, TP.HCM và nước ngoài là 35 ngày thì chưa đúng Luật, khiến cho nhiều công dân “kêu” về thời gian tiếp nhận và trả kết quả lâu hơn so với quy định. Đại diện Sở Tư pháp An Giang cho biết đã nhiều lần đề xuất với cơ quan Công an và ngành Tòa án nhưng vẫn không rút ngắn được thời gian.
Hay ở TP.Đà Nẵng, Sở Tư pháp nhận được 5.190 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, trong đó đã cấp 5.081 hồ sơ, 109 hồ sơ đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, tình trạng hồ sơ trễ hạn vẫn tồn tại, thời gian đầu tỷ lệ hồ sơ trễ hạn chiếm khoảng 20 – 25% tổng số hồ sơ cấp.
Sau khi Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP được ban hành, công tác xác minh của Công an TP. đã nhanh đáng kể. Có điều, tỷ lệ hồ sơ trễ trên tổng số hồ sơ cấp trong thời gian 6 tháng gần đây (từ ngày 3/4 - 30/9/2012) vẫn là 15%. Tất cả các trường hợp, Sở Tư pháp đều phải có văn bản thông báo rõ lý do trễ hẹn cho công dân.
Tác giả bài viết: Thục Quyên
Nguồn tin: phapluatvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn