Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý kiến tán thành với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật, theo đó, viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Một số ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đội ngũ luật sư. Có ý kiến lại đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhưng chỉ trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nhằm tận dụng và phát huy năng lực chuyên môn của họ.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến.
Ảnh : An Đăng – TTXVN.
Với những ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không, cần được cân nhắc thấu đáo, cả về lý luận và thực tiễn. Kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật luật sư lần này. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.
Trái với ý kiến của UBTVQH, tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu đoàn Bắc Giang) bày tỏ: “Theo tôi với phương châm là học đi đôi với hành mà cái hành đó giúp cho cái dạy tốt hơn thì tôi thấy về góc độ này rất khuyến khích. Những người giảng dạy luật nếu đạt các trình độ, học bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư mà dám nhận làm luật sư thì đấy là rất có ích cho nghề”. Giải thích về vấn đề thời gian, Phó thủ tướng chỉ ra: “Các nhà trường có thể quy định quỹ thời gian dành cho nghiên cứu, giảng dạy bao nhiêu và quỹ làm công tác tư vấn không vượt quá. Giáo viên phải "liệu cơm, gắp mắm" trong khuôn khổ đó”.
Đồng tình với ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị: “UBTVQH cần cân nhắc kỹ ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề cho giáo sư đại học về luật được tham gia làm luật sư. Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân rất xác đáng và cần cân nhắc”.Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh ủng hộ việc giảng viên luật được hành nghề luật sư và chỉ ra: “Đây là việc phù hợp với tập quán của nhiều nước, Việt Nam là một trong những quốc gia không cho người dạy luật được hành nghề luật, tức là dạy người ta việc mà mình không làm. Thày giáo đi dạy việc mà mình không biết, không làm thì chỉ là lý thuyết”.
Trong khi đó, nhiều đại biểu ủng hộ với quan điểm của UBTVQH. Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) bày tỏ sự đồng tình rất cao với UBTVQH và cho rằng: “Đã là cán bộ công chức, viên chức thì không tham gia làm luật sư, đặc biệt là những người đi dạy luật. Giữa giảng dạy và luật sư là hai nghề khác nhau”.
Tác giả bài viết: Xuân Dũng
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn