Tăng 100.000 đồng, cần 1 tỷ USD
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (đoàn Bình Định) cho biết: Thực tế, mức tăng lương tối thiểu chung năm 2013 ban đầu dự kiến tăng từ 1.050.000 đồng/người/tháng lên 1.300.000 đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31.10.2012 |
Để bảo đảm tăng lương theo lộ trình ở thời điểm 1.5.2013 theo mức đã dự kiến, Bộ Tài chính đã báo cáo với Quốc hội cần 60.000 - 65.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD, chưa kể phải cần 29.000 tỷ đồng bố trí thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong năm 2013.
Điều này làm vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách năm 2012 không đạt, và dự toán thu ngân sách năm 2013 cùng mức tăng thu năm 2013 sẽ rất khó khăn do mức tăng trưởng theo dự báo chỉ khoảng 5,5%.
Do vậy, Chính phủ đề xuất hoãn lộ trình tăng lương. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ đề xuất như vậy, dư luận người dân đã có nhiều ý kiến phản đối và trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nên tiếp tục tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình dù có thể giảm mức tăng.
Đáp ứng đề nghị này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính trình Quốc hội phương án tăng lương tối thiểu với mức tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng kể từ 1.7.2013 (lùi 2 tháng so với lộ trình tăng lương), ngay sau khi Quốc hội xem xét và biểu quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013.
Với đề xuất này, sẽ có khoảng 8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công, đối tượng thuộc lực lượng vũ trang được tăng lương tối thiểu ở mức 100.000 đồng/tháng. Ngân sách cần cho việc tăng lương là 20.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD, trong đó ngân sách trung ương lo 18.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương lo 3.300 tỷ đồng.
“Đây là phương án tích cực và khả thi nhất có thể tính đến. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7-8%/năm để bảo đảm tăng thu nhập thực tế cho cán bộ, công chức và người lao động” - Bộ trưởng Huệ cho biết.
Với đề xuất này của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) dù tán thành nhưng cũng tỏ ra băn khoăn: “Cần nghiên cứu kỹ xem đề xuất có sát với thực tiễn hay không bởi nếu chỉ tăng ở mức thấp như vậy, liệu có đảm bảo đời sống của người lao động?”.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thì thẳng thắn: Thứ nhất, Chính phủ phải tính rõ, nếu tăng lương thì lấy nguồn ở đâu. Thứ hai, nếu tăng lương ở mức thấp như vậy thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà rõ ràng nhất là nỗi lo tăng lương thì ít mà giá thì tăng nhiều”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, để tạo nguồn tăng lương như phương án vừa đề xuất, Chính phủ sẽ phải cắt giảm đầu tư công trong năm 2013.
Thống đốc nhận lỗi về quản lý thị trường vàng
Cũng trong phiên thảo luận ngày 31.10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông trong các chính sách về vàng, dẫn đến cách hiểu không đúng và những lo ngại về việc độc quyền vàng miếng SJC.
Lên phương án phòng, chống vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2
Ngày 31.10, trong phiên thảo luận của Quốc hội, xoay quanh các vấn đề về sự an toàn của đập Thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Đến nay chưa có dấu hiệu mất an toàn của hồ chứa và đập, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cũng như triển khai xây dựng phương án phòng, chống vỡ đập. Khi chuẩn bị xong phương án này, sẽ xây dựng các phương án để diễn tập phòng khi xảy ra sự cố vỡ đập, nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân.
“Trong nền kinh tế nước ta có khoảng 300-400 tấn vàng, tương đương nguồn lực từ 15-20 tỷ USD không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị chôn chặt vào vàng. Do đó, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo chặt chẽ việc chống tình trạng USD hóa, vàng hóa để chuyển vàng, ngoại tệ thành nguồn lực tiền Việt Nam hỗ trợ nền kinh tế” - Thống đốc Bình cho biết.
Về việc độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc Bình khẳng định: Dư luận còn chưa hiểu hết vấn đề nên dẫn đến tâm lý đổ xô chuyển đổi sang vàng SJC. Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ phổ biến rộng rãi hơn để người dân yên tâm.
Thống đốc nhấn mạnh, SJC không phải là công ty độc quyền dập vàng miếng và từ ngày 25.5, các đơn vị, kể cả công ty SJC phải chấm dứt dập vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước được độc quyền dập, đúc vàng. Mặc dù vậy, trong phiên thảo luận, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không giải thích về tình trạng “vàng hai giá” đang xảy ra hiện nay. Có một thực tế là từ khi có thông tin về Nghị định 24, vàng miếng các thương hiệu không phải SJC luôn rẻ hơn vàng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng...
Tác giả bài viết: Long Nguyên
Nguồn tin: www.baomoi.com