Khó khả thi vì không có giáo viên
Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TP. HCM) kiến nghị rằng, nên quy định trung tâm giáo dục quốc phòng nằm trong trường quân sự tỉnh để UBND tỉnh quản lý. "Để tránh sự quá tải thì những môn học về lý luận nên để ở các trường đại học. Còn những môn về quân sự thì mới cần tập trung”-ông Bình kiến nghị. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP. HCM) bày tỏ lo ngại về lộ trình đến năm 2015 phải hoàn thiện các trung tâm giáo dục quốc phòng khó khả thi vì thiếu giáo viên.
Theo Uỷ ban quốc phòng-an ninh của Quốc hội, đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng-an ninh hiện nay thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm và sĩ quan từ nhiều đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, với thời gian 5 năm như dự thảo Luật quy định và với việc Chính phủ mới có chủ trương chuẩn bị chiêu sinh đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng-an ninh sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu chuẩn hóa và bố trí đủ giáo viên, giảng viên cơ hữu chuyên trách môn học này cho các trường, trung tâm giáo dục quốc phòng-an ninh.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng đề nghị: Luật cần phải làm rõ nguồn lực cho công tác giáo dục quốc phòng an ninh. Có ý kiến cho rằng dự thảo luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội. "Cần xem xét việc dạy học môn giáo dục quốc phòng-an ninh đối với học sinh tiểu học. Trong khi chúng ta đang giảm tải các chương trình học của học sinh thì dự án luật này lại đưa môn học này vào chương trình học của nhà trường, liệu có khả thi không?-ông Phúc đặt vấn đề.
Cần có một lực lượng chuyên trách chống khủng bố
Nhiều ý kiến của các vị đại biểu cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố phải hoạt động thường xuyên để rút ra những bài học kinh nghiệm. Như đại biểu Lê Đông Phong (TP. HCM) cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở các địa phương phải hoạt động, tập luyện thường xuyên, mang tính chất phòng ngừa là chính.
Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), qua thực tế cho thấy cần có một lực lượng chuyên trách, lực lượng này không cần đông nhưng được giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Các lực lượng khác như cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm phối hợp khi xử lý tình huống. "Nếu cứ diễn tập tràn lan như hiện nay thì khi có tình huống, việc xử lý vẫn thiếu chủ động, không dứt khoát”, ông Dân nói.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các vị đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật này phải thể hiện được tinh thần phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó phải có cơ chế giúp dân nhận biết, phát hiện và báo tin về hành vi khủng bố. Thực tế và lịch sử cho thấy, nguồn tin từ nhân dân là đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa các hành vi tội phạm, khủng bố. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định rõ chế tài xử lý những hành vi cố ý báo tin sai lệch vì mục đích riêng để mang tính răn đe và thuận lợi trong xử lý. Đại biểu Phạm Văn Gòn (TP. HCM) kiến nghị: "Luật cần bổ sung nội dung giám sát cho chặt chẽ. Nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền ảnh hưởng đến người dân. Bởi khi áp dụng các biện pháp phòng chống khủng bố sẽ phải di dời nhà dân. Do vậy, cũng phải có cơ chế bồi thường cho người dân trong những trường hợp của cải, nhà cửa bị di dời”.