Tư nhân chưa được phép thành lập nhà xuất bản
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật xuất bản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày sáng nay cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng thành lập và loại hình tổ chức nhà xuất bản, cho phép tư nhân tham gia thành lập nhà xuất bản.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, dự thảo Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.
Dự thảo Luật lần này bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên cơ sở kế thừa những quy định từ Luật hiện hành, nghiên cứu bổ sung những quy định mới về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cập nhật hơn với sự phát triển CNTT và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay. Trong các phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị việc quy định chi tiết điều chỉnh lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử mà không giao cho Chính phủ quy định.
Nhưng UBTVQH cho rằng, xuất bản điện tử là vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, phát triển không ngừng, hơn nữa cũng mới là bước đầu hình thành ở Việt Nam trong những năm gần đây. Do vậy, để vận dụng một cách linh hoạt trước sự phát triển của CNTT trong thời gian tới cũng như giữ được sự ổn định về hiệu lực thực thi Luật sau khi ban hành, thì nội dung này cần được quy định theo hướng mở và giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) gồm 6 chương, 54 điều đã được 460/463 đại biểu Quốc hội có mặt thông qua, chiếm 92,37%.
Viên chức giảng dạy pháp luật không được hành nghề luật sư
Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật luật hành nghề luật sư (trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cho phép đối tượng trên được hành nghề luật sư nhưng chỉ ở lĩnh vực tư vấn pháp luật). Các ý kiến này cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ luật sư, vừa phát huy năng lực chuyên môn, vừa giúp đội ngũ giảng viên pháp luật có điều kiện kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ này.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư do Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho rằng, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không cần được cân nhắc kỹ. Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên đại học chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu.
Hơn nữa, bên cạnh những lợi thế như một số đại biểu đã nêu, nếu cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng chưa khắc phục được những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư những năm vừa qua. Ngoài ra, nếu chỉ cho phép đối tượng nói trên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay là rất thiếu luật sư tham gia tố tụng, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật của viên chức giảng dạy pháp luật đã được pháp luật hiện hành điều chỉnh, nên không cần thiết bổ sung trong Luật này.
Về vấn đề này, UBTVQH đã xin kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả, có 425 đại biểu cho ý kiến (ba phiếu không hợp lệ). Tuy nhiên, số ý kiến về từng phương án không có sự chênh lệch lớn, cụ thể: có 215/422 ý kiến nhất trí với phương án cho phép; có 208/422 ý kiến nhất trí với phương án không cho phép đối tượng trên hành nghề luật sư.
Từ những lý do nêu trên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật.
Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết phương án 1 là không cho phép và phương án 2 là cho phép. Kết quả biểu quyết phương án 1, có 330/470 đại biểu tán thành, chiếm 66,27%, 133 đại biểu không tán thành, chiếm 26,71%.
Toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư sửa đổi 34 điều trong Luật Luật sư năm 2006 đã được 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16%.
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có thể hình thành doanh nghiệp của hợp tác xã
Về bản chất hợp tác xã, trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị định nghĩa hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp.
Nghị quyết Hội nghị lần Thứ 5 BCH Trung ương Đảng Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể quy định: “Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và hợp tác xã; trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên”; “Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là với doanh nghiệp nhà nước”; “Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã”; “Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, việc định nghĩa bản chất hợp tác xã có ý nghĩa quyết định đến việc quy định các nội dung về tổ chức và hoạt động hợp tác xã như: mục tiêu, lợi ích, quyền, nghĩa vụ của thành viên; cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, vốn, tài sản và xử lý tài sản khi giải thể của hợp tác xã...; đồng thời là cơ sở để Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ có tính chất đặc thù đối với tổ chức kinh tế này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để thể hiện rõ hơn nội hàm Nghị quyết Hội nghị lần Thứ 5 BCH Trung ương Đảng Khóa IX, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật: “1. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”.
Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 3: “3. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp.”
Cùng với định nghĩa tại Điều 3, dự thảo Luật quy định các nội dung bảo đảm hợp tác xã hoạt động tự chủ, hiệu quả với vai trò làm chủ của thành viên.
Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi gồm chín chương, 64 điều đã được 436/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua, chiếm 87,55%.
Ngoài ra, sáng 20/11, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế đã được 461/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua, chiếm 92,57%.
Luật Dự trữ quốc gia gồm sáu chương, 66 điều cũng được 471/472 đại biểu Quốc hội có mặt thông qua, chiếm 94,78%.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cũng được 454/464 đại biểu tham gia biểu quyết thông qua, chiếm 91,16%.
Tác giả bài viết: Hồng Vân
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn