Thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Yếu kém: ít. Đạt được: nhiều
Báo cáo thực hiện luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ do bộ Tài chính trình bày cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2012, thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán 9.727 dự án hoàn thành trong cả nước, đã cắt giảm các khoản chi phí sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, góp phần tiết kiệm cho ngân sách hơn 800 tỉ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan thanh tra nhà nước đã triển khai thực hiện trên 6.035 cuộc thanh tra kinh tế xã hội và thanh tra hành chính đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.529 tỉ đồng. Đồng thời, đã có kiến nghị xử lý về hành chính đối với 425 tập thể và 697 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 22 vụ, liên quan đến 35 người.
Tuy nhiên, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thắc thắc: con số kiến nghị thu hồi 3.500 tỉ chiếm bao nhiêu phần trăm so với thất thoát (thật)? Số vụ chuyển cơ quan điều tra được xử lý ra sao, chuyển có đúng không? Theo ông Hiện, báo cáo “nếu không có kết quả phản hồi thì chưa đầy đủ”
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói thẳng: "Báo cáo Chính phủ chưa nói đến và chưa phân tích yếu kém, chủ yếu là kết quả đạt được, trong khi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách thì ngược lại: chủ yếu phân tích tồn tại và đề xuất giải pháp khắc phục". Trong khi đó, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cảm nhận, với các lĩnh vực “nhạy cảm” như đầu tư công, đất đai thì báo cáo chưa cụ thể, Chính phủ nên có báo cáo sâu sắc hơn.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ phải hoàn thiện báo cáo theo hướng: bám sát luật Thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời có phương án xử lí với vi phạm. “Hay trong lĩnh vực quản lí tài sản công, vốn nhà nước, báo cáo có đề cập, nhưng phải có đánh giá toàn diện, có số liệu so sánh với năm 2011 để thấy được và chưa được”, phó chủ tịch Quốc hội ví dụ.
“Đầu tư công là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng”
Đi vào các nội dung cụ thể, chủ nhiệm Hiện bức xúc: “Trong đầu tư công, tất cả các khâu đều có cơ hội tham nhũng, người có quyền hạn ở các khâu từ đề xuất, duyệt quy hoạch, triển khai thực hiện đều có thể tham nhũng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng”.
Còn trong lĩnh vực khoáng sản, theo ông Hiện: lãng phí diễn ra ở từ xã đến tỉnh, “ở đâu cũng mong tìm được khoáng sản để tận thu, tận diệt, trong khi quản lí cực kì yếu. Dù đã phân cấp nhưng thực hiện rất yếu kém, lộn xộn”, ông Hiện nói.
Chủ nhiệm hội đồng Dân tộc K’sor Phước thì cho rằng, tình hình quản lí thu chi “hai mươi năm qua chưa khắc phục được”. Ông Phước dẫn chứng, hồi ông làm ở địa phương 20 năm trước, tình hình thanh quyết toán đã có tình trạng công trình làm xong chưa thanh toán được, nhưng nay báo cáo cũng nêu, chưa dứt điểm được”.
Còn phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì bức xúc chuyện lãng phí thời gian. "Đây là lãng phí phổ biến, nhất là trong bộ máy nhà nước, hội họp nhiều mà chất lượng ít, công việc trì trệ, luật đề ra không làm được thì dừng lại, luật mới ban ra đã phải sửa đổi”, ông Sơn nói.
Tác giả bài viết: Chí Hiếu
Nguồn tin: duthaoonline.quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn